Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH DOCAT - GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI DÀNH CHO NGƯỜI TRẺ

Các bạn trẻ thân mến!
Đức Bênêđíctô XVI, vị tiền nhiệm của cha, đã trao cho chúng con cuốn “Giáo lý cho người trẻ” - YOUCAT. Giờ đây, cha cũng muốn giới thiệu cho chúng con một cuốn sách khác, đó là DOCAT, chứa đựng những Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Động từ tiếng Anh “to do” (hành động) là một phần của nhan đề này. Bởi vì DOCAT giúp chúng ta giải đáp cho câu hỏi: “What should we do?” (Chúng ta phải làm gì đây?); cùng với sách Tin Mừng, DOCAT sẽ như một “cuốn cẩm nang” giúp chúng ta trước hết thay đổi chính mình. Rồi đến thay đổi những người xung quanh chúng ta, và cuối cùng là thay đổi cả thế giới. Với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta có thể thực sự thay đổi thế giới!
Chúa Giêsu đã nói: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Đoạn Tin Mừng trên đã làm đánh động tâm hồn nhiều vị thánh. Thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Têrêsa Calcutta nhờ đoạn Tin Mừng mà thay đổi cả cuộc đời của các ngài. Và như Chân phước Charles de Foucauld từng nhận định: “Trong toàn bộ sách Tin Mừng, không có lời nào tác động đến tôi và thay đổi sâu sắc cuộc đời tôi cho bằng lời: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Khi tôi suy ngẫm về những lời từ miệng Chúa Giêsu, lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Cũng chính đôi miệng ấy đã phán truyền: “Này là mình Thầy, này là Máu Thầy”. Và rồi, tôi cảm nghiệm được rằng tôi được kêu gọi để theo đuổi và yêu mến Chúa Giêsu qua những người bé mọn.”.
Các bạn trẻ thân mến! Chỉ có việc hoán cải tâm hồn mới có thể khiến cho thế giới, nơi đang đầy dẫy chiến tranh và bạo lực, trở nên nhân đạo hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải nhẫn nại, đối xử công bằng, đối thoại, hòa nhập và liên đới với những người bất hạnh, nghèo túng và cùng cực; cũng có nghĩa là chúng ta phải biết cống hiến vô hạn, phải “yêu cho đến chết vì tha nhân”. Khi mà chúng con hiểu được điều đó một cách sâu sắc, thì như một Kitô hữu tận tâm, chúng con sẽ có thể thay đổi thế giới này. Thế giới ngày nay không thể tiếp tục con đường đang đi. Một Kitô hữu, nếu như thờ ơ trước những người nghèo khó nhất trong những người nghèo khó, thì người ấy không phải là một Kitô hữu đích thực!
Tại sao chúng ta không thể khiến cho cuộc cách mạng của tình yêu và công lý được “bùng nổ” ở nhiều nơi trên hành tinh đầy nỗi đau khổ này? Các giáo huấn xã hội của Giáo hội có thể giúp cho biết bao người! Dưới sự chỉ dẫn đầy kinh nghiệm của các vị Hồng Y Christoph Schönborn và Reinhard Marx, một nhóm đã khởi đầu công việc làm cho thông điệp giải phóng của Giáo huấn về xã hội của Giáo hội lôi cuốn sự chú ý của các bạn trẻ trên toàn thế giới. Họ đã cộng tác cùng các học giả nổi danh và cùng với nhiều bạn trẻ để thực hiện dự án này. Các bạn trẻ nam nữ Công giáo đã gửi những bức ảnh đẹp nhất của họ. Một số khác thảo luận về những đề tài, đặt ra các câu hỏi, ý kiến và soạn thành một văn bản hoàn chỉnh, thích hợp để hiểu được một cách dễ dàng. Giáo huấn xã hội gọi những việc làm này là “sự cộng tác”. Như thế, tự bản thân nhóm soạn thảo đã áp dụng ngay từ ban đầu một nguyên tắc quan trọng của Giáo huấn xã hội. Vì vậy, DOCAT thực sự là một khởi điểm tuyệt vời để giúp chúng ta hành động theo đức tin Kitô giáo.
Những gì được gọi là “Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo” ngày nay thực ra đã xuất hiện từ thế kỉ XIX. Cùng với sự công nghiệp hóa thế giới, một hình mẫu tư bản khắc nghiệt - một nền kinh tế phá hủy sự sống nhân loại xuất hiện. Các nhà tư bản vô trách nhiệm buộc những người sống ở nông thôn phải rơi vào tình trạng tồi tệ đến mức họ phải lao động cực lực trong các mỏ than hay trong những nhà máy hoen gỉ chỉ để kiếm được đồng lương không đủ sống. Còn trẻ em trong một thời gian dài không được nhìn thấy ánh sáng, các em bị lén lút gửi đến những mỏ than để làm công việc kéo than như một người nô lệ. Các Kitô hữu đã ra sức giúp đỡ nhưng họ thấy rằng như thế thì vẫn chưa đủ. Vì thế, những tư tưởng chống lại bất công xã hội đã dần hình thành ngay trong đời sống chính trị và xã hội. “Rerum Novarum” (Tân Sự) – một thông điệp viết về “Tư bản và Lao động” của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, ra đời năm 1891, đã và vẫn là bản tuyên ngôn nền tảng về Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Ngài đã viết một cách rõ ràng và xác đáng: “Cướp công mồ hôi nước mắt của công nhân là tội ác thấu trời.”. Với trách nhiệm to lớn, Giáo hội đã đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.
Vì nhu cầu của thời đại, qua nhiều năm, Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo ngày càng trở nên phong phú và hoàn thiện. Đồng thời, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về đời sống của cộng đồng, về công lý, hòa bình, và lợi ích chung. Người ta đã tìm được những nguyên tắc về nhân vị, về sự liên đới và bổ trợ, mà ngay trong DOCAT cũng có giải thích. Giáo huấn xã hội thực ra không bắt nguồn từ cá nhân vị giáo hoàng hay học giả nào nhưng nó bắt nguồn ngay từ chính trọng tâm của Tin Mừng. Nó bắt nguồn ngay từ chính Chúa Giêsu bởi vì Chúa Giêsu là Giáo huấn xã hội của Thiên Chúa.
“Một nền kinh tế giết chóc!” - Đó là điều mà cha đã viết trong Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Tin Mừng), bởi vì ngày nay nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng thu nhập vẫn còn tồn tại. Có những quốc gia có đến bốn mươi hoặc năm mươi phần trăm bạn trẻ gặp phải tình trạng thất nghiệp. Ở nhiều quốc gia, người lớn tuổi bị gạt ra bên lề vì họ bị xem như “mất giá trị” và “không còn khả năng sản xuất”. Biết bao vùng đất trải dài rộng lớn nhưng không một bóng người bởi người nghèo, họ đã tìm đến những khu ổ chuột trong các thành phố lớn với hy vọng tìm được chút gì còn lại để sống qua ngày. Các phương thức sản xuất của một nền kinh tế toàn cầu hóa đã tàn phá những cơ cấu kinh tế khiêm tốn gắn liền với đời sống nông nghiệp ở ngay chính quốc gia của họ. Hiện nay, khoảng 1% dân số thế giới nắm giữ 40% trong toàn bộ khối lượng tài sản của thế giới, và có 10% dân số thế giới sở hữu đến 85% tài sản. Trái lại, chỉ có 1% khối tài sản của thế giới này thuộc về một nửa dân số còn lại. Khoảng 14 triệu người phải sinh hoạt với ít nhất chưa đến 1 euro (xấp xỉ 75 xu) mỗi ngày.
Khi cha mời gọi chúng con hãy sẵn sàng để học hỏi Giáo huấn xã hội của Giáo hội, cha không chỉ mơ ước sẽ có một nhóm nhỏ các bạn trẻ ngồi dưới những tán cây và cùng thảo luận. Điều đó thật tốt! Hãy cố gắng phát huy! Nhưng ước mơ của cha còn lớn hơn thế: cha mong ước cha sẽ có được một triệu bạn trẻ Kitô hữu, và còn hơn nữa, là cả một thế hệ những người đồng trang lứa cùng “đi và nói về Giáo huấn xã hội”. Không gì khác có thể thay đổi thế giới này mà chính những ai biết đồng hành với Chúa Giêsu dấn thân vào thế giới, cùng với Ngài đến với người bị gạt ra bên lề xã hội và đi vào giữa những ai bị coi là “bẩn thỉu” trong xã hội. Hơn nữa, chúng con còn phải biết đi vào đời sống chính trị và đấu tranh vì công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo khổ nhất. Tất cả chúng con là Giáo hội. Hãy chắc chắn rằng Giáo hội sẽ được biến đổi, hãy làm cho Giáo hội luôn sống động, bởi vì chính Giáo hội muốn đặt mình vào cuộc thử thách giữa những tiếng khóc than của người bị tước quyền làm chủ cuộc đời mình, giữa những tiếng van xin của người nghèo túng và bị bỏ rơi.
Bản thân chúng con phải tích cực và chủ động hơn nữa. Bởi khi có nhiều người cùng hành động với nhau, thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn và người ta nhận ra chính Thần Khí Chúa đang hoạt động qua chúng con. Và rồi, chúng con có thể trở thành những ngọn đuốc chiếu sáng con đường dẫn những con người này đến với Thiên Chúa.
Giờ đây, cha trao cho chúng con quyển sách nhỏ này, với ước mong được thắp lên ngọn lửa cháy sáng trong lòng chúng con. Cha sẽ cầu nguyện hằng ngày cho chúng con. Hãy cầu nguyện cho cha nữa.

Thân ái,
Phanxicô

6/11/2015

Hoàng Du Sinh dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét